
Một nhóm các nhà nghiên cứu từ trường Đại học Nevada, Mỹ, với số liệu từ 27 quốc gia cho biết, trẻ em sẽ có lợi thế rất lớn khi đi học nếu được nuôi dưỡng trong môi trường học tập với những kệ sách tại nhà. Bất kể gia đình bạn có bao nhiêu cuốn sách trên kệ, mỗi quyển được bổ sung vào thư viện gia đình sẽ giúp trẻ em tiến xa hơn một chút trong công cuộc khám phá tri thức.
Báo cáo nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Research in Social Stratification and Mobility chỉ ra, trẻ lớn lên trong một ngôi nhà với trung bình 500 cuốn sách sẽ phát triển trí não hơn 3,2 năm so với việc lớn lên trong một ngôi nhà tương tự với ít hoặc không có sách.
Một thư viện gia đình xuất hiện trong nhà sẽ giúp trẻ sớm hòa mình vào một nền văn hóa yêu sách sẽ cung cấp các kỹ năng và năng lực hữu ích ở trường khi trẻ đi học, hình thành sở thích tìm hiểu sách, khiến việc học tập ở trường trở nên thú vị, hấp dẫn hơn. Bố mẹ cũng không cần là những nhà học giả hay chuyên gia, chỉ cần thích đọc và tôn trọng sách, truyền cảm hứng đọc sách cho trẻ, là các con đã có một môi trường tốt để phát triển tối ưu.
Nhân dịp những ngày nghỉ hè chuẩn bị đến, quãng thời gian nghỉ ngơi này là lúc hoàn hảo để bắt đầu xây dựng cho con một một “thư viện gia đình” hợp lý và phù hợp.
Cách tạo thư viện gia đình cho con
1. Chọn đúng chỗ để đặt thư viện: Thư viện gia đình không cần thiết phải là một căn phòng lớn, chiếm nhiều diện tích. Bố mẹ chỉ cần dành một góc nhỏ trong phòng của con, đặt một tủ/kệ/giá sách, một chiếc gối mềm với ánh sáng tốt, để con có một thư viện nhỏ của riêng mình. Đây không chỉ là góc đọc và học tập, mà còn là nơi con dành thời gian suy ngẫm về những gì mình đã đọc, cho con thỏa sức tưởng tượng và sáng tạo.
2. Chọn sách phù hợp với con: Bố mẹ nên chuẩn bị sẵn 3 loại sách sau đây trên thư viện: sách phù hợp với tuổi của con, loại sách con ưa thích và những đầu sách kiến thức mở rộng với tỉ lệ 4/4/2. Ta nên ưu tiên những sách phù hợp với độ tuổi của trẻ và sách trẻ thích để con vừa phát triển đúng theo giai đoạn, vừa có những cuốn sách yêu thích. Ngoài ra, chuẩn bị thêm những đầu sách kiến thức, khoa học, đôi khi cả văn chương kinh điển cũng là cách giúp trẻ mở rộng phổ đọc một cách tự nhiên. Dù có thể trẻ chưa thể đọc hoàn chỉnh xong ngay những cuốn sách ấy, nhưng sự hiện diện của chúng trong không gian sống cũng là cách thúc đẩy trí tò mò của trẻ.
3. Đặt sách trong tầm tay: nên sử dụng kệ sách thấp và chắc chắn để con có thể tự mình chọn sách. Bố mẹ có thể hướng dẫn con cách xếp sách với phần gáy sách hướng ra ngoài.
4. Thay đổi thường xuyên cách trưng sách trên kệ: để con được khuyến khích thử đọc những câu chuyện mới, cũng như thêm yêu mến những cuốn sách cũ của con.
5. Khuyến khích con trao đổi sách với bạn: Bằng cách này, con có thể chia sẻ những câu chuyện yêu thích của mình với bạn bè và khám phá những câu chuyện mới.