BLOG

[Review] Dừng chân ở "Vườn thơ" và lắng nghe tuổi thơ nhiệm màu
Oct 21, 2023 Admin Share
Từ những trang bìa sách đầy ẩn dụ
Nữ họa sĩ Tasha Tudor ra đời sau khi tác giả Stevenson mất khá nhiều năm, nên bà đã vẽ lại thế giới của nhà thơ bằng tâm hồn đồng điệu và trí tưởng tượng đầy sắc màu dịu êm của mình. Ở bìa trước và sau của cuốn sách, Tasha Tudor minh họa những cô cậu bé trong một khu vườn với sắc thái chủ đạo là trồng trọt. Đây là sáng tạo riêng của bà - một người say mê săn sóc việc đồng áng - bởi lẽ “vườn” đối với Stevenson có lẽ mang nghĩa là vườn hoa nhiều hơn là vườn tược. Các độc giả cũng sẽ thấy qua được nét vẽ đặc trưng của Tudor xuyên suốt cuốn sách: một nét bút màu nước cổ điển và rực rỡ, gợi nhớ lại hình ảnh quê hương Bờ Đông nước Mỹ của bà.
 
Đến lời tựa tinh tế
Ban biên tập bản thơ này cũng thể hiện cảm xúc của mình khi đọc tập thơ một cách ý nhị, bằng cách chọn hai câu đầu bài xon-nê số 104 của Shakespeare làm lời tựa cho quyển sách. Bài thơ này nói về sự ái mộ của thi sĩ người Anh với nhân vật trữ tình “Fair Youth” (Trẻ Đẹp) nổi tiếng của ông. “Fair Youth” là một thiếu niên trẻ, đẹp và trong bài xon-nê này, dường như sự trẻ trung đầy sức sống của cậu vẫn mãi nguyên vẹn như lần đầu gặp Shakespeare. Dù về sau, ý nghĩa bài thơ là sự phôi phai của con người trước thời gian, chỉ là ta không nhận ra; thì việc ban biên tập chỉ chọn hai cầu đầu tiên có thể ngụ ý rằng, đây là lời tôn vinh tới tác giả Stevenson, một con người dù ra đi ở tuổi 44, thì tuổi thơ nhiệm màu mà ông gửi gắm trong cuốn sách này vẫn sẽ còn nguyên giá trị.
Bên cạnh đó là bài thơ “Gửi tới nhũ mẫu Alison Cunningham”, một lời đề tặng của tác giả với người phụ nữ đã luôn ân cần chăm lo và yêu thương cho ông hồi nhỏ, cũng là người ông dành tặng tập thơ này. Sinh ra trong một gia đình giàu có, như bao cậu ấm ở đảo Anh khác, Stevenson được chăm sóc bởi người nhũ mẫu chứ không phải bố mẹ, vậy nên tình cảm của ông dành cho bà Cunningham là cực kì đáng trân trọng.
“...Trong những tháng năm đã xa, sầu u và rạng rỡ -
Mẹ thứ hai của con, Người Nữ đầu đời,
Là thiên thần của tuổi thơ con đó-
…”
 
Và trang thơ mở ra những ngóc ngách trong tâm hồn trẻ thơ
“Vườn thơ của một đứa trẻ” được chia làm bốn phần: Phần đầu cùng tên với tập thơ, tiếp đó là “Đứa trẻ một mình”, “Những ngày vườn” và “Khúc dâng”. Bốn phần với bốn nội dung tuy khác nhau, nhưng lại là bốn góc nhỏ có quan hệ mật thiết trong tuổi thơ của Stevenson.
Phần đầu, “Vườn thơ của một đứa trẻ” là liên khúc về những điều gần gũi với mọi đứa trẻ. Đó là giấc mơ, là thế giới tưởng tượng đầy màu nhiệm của tác giả: “Trên những chiếc bậc thang chòng chành biển động,/ Xem bọn tôi đây, chiếc ghế hóa con tàu.” Về những góc nhìn con trẻ trước mọi điều quanh mình: “Dì bước chân đi,/ Váy kêu sột soạt,/ Đuôi váy quết sàn,/ Lượt thà lượt thượt.” Về cách tự giải quyết những “khó khăn” mà trẻ phải đối diện… như là một giấc ngủ trưa hay những món đồ chơi bị đám trẻ to xác phá bĩnh; và xen kẽ cả một hai bài về những lời khuyên bảo nhẹ nhàng mà đứa trẻ nào cũng được dặn dò:
“Một đứa trẻ phải luôn nói thật
Biết đáp lời khi ai đó hỏi han
Lúc ăn uống, cư xử cho nhã nhặn
Ít nhất là gắng hết sức mình.”
Mở đầu với nhiều hình ảnh gần gũi, người đọc sẽ thấy những vấn đề của con trẻ không chỉ là thứ gì đó “trẻ con” mà được tác giả nghiêm túc và tôn trọng sẻ chia. Ngoài ra, thế giới tưởng tượng kia cũng là hình mẫu để các bé lấy chất liệu, tự dựng xây thế giới của riêng mình.
Khi đã bày, xếp xong xuôi những niềm vui thơ ấu ra, Stevenson bắt đầu tập trung vào nội tâm. “Đứa trẻ một mình” đi sâu vào sự cô đơn và nỗi buồn đeo bám Stevenson lúc nhỏ. Từng là một đứa trẻ gầy gò xanh xao và ốm yếu, hai điều này đã khiến tác giả phải cách xa bạn bè, và chính bạn bè cũng tự tránh xa khỏi ông. Quẩn quanh trong tự gia phần lớn thời gian ấu thơ, Stevenson không còn cách nào khác ngoài tự tìm cách khuây khỏa bản thân. Ông tạo ra “Bạn chơi vô hình”, tạo ra thế giới riêng tư “Vương quốc của tôi”.
“... Bố mẹ ngồi bên lò lửa chuyện trò;
Cứ ngồi thế, và rủ rỉ, hát ca,
Nhưng chẳng chịu bày đồ chơi gì cả…”
Mỗi lúc như vậy, Stevenson tìm kiếm niềm vui từ món đồ chơi, xây đắp thành những dãy khối “Thành đô gỗ” hay đắm chìm trong các quyển sách, vào “Xứ Truyện mến thương”. Đây là một trong những phần quan trọng của tập thơ và cũng là phần khiến “Vườn thơ của một đứa trẻ” gây được tiếng vang lúc ra mắt. Trước khi những nhà tâm lý học hiện đại hiểu được tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần của trẻ, Stevenson đã ý thức được điều này và không chỉ chia sẻ, mà còn đưa ra đưa ra cách để các bạn nhỏ tự chữa lành bản thân.
Xuất hiện song song với những vần thơ là nét bút nước vừa vặn và ý nghĩa của Tasha Tudor. Phong thái duyên dáng và cổ điển của bà khi vẽ không chỉ đến từ bản chất của câu thơ, mà cả từ cá tính của bà. Chúng ta vẫn sẽ cảm nhận được tinh thần nước Anh trong “Xứ Truyện”, “Hành trình Tây Bắc”, “Cối xay gió lưu niệm” hay “Khúc quân hành”; nhưng đồng thời, nét đẹp nông trang của các tá điền thân thuộc với nữ họa sĩ từ vùng New England cũng tỏa rạng trong “Cô bò”, “Dòng sông gương” hay “Bác làm vườn”. Việc sử dụng màu nước cũng làm các bé quen dần với hội họa và từ từ biết cách thưởng thức mĩ thuật. Không chỉ dừng lại ở việc minh họa thông thường, Tasha Tudor muốn gửi gắm sự yên bình từ lối sống đáng ngưỡng mộ bên cây cỏ tới chúng ta - những cá nhân đang thiếu đi rất nhiều tương tác với môi trường xung quanh trong đời sống hiện đại. Thật bất ngờ là bên cạnh tập thơ, những bức tranh trong đây cũng vẫn giữ nguyên giá trị của mình dù đã được Tudor vẽ từ 76 năm trước. Những bức tranh tươi tắn này vừa truyền tải được không khí tập thơ, vừa bồi đắp mỹ cảm nghệ thuật của trẻ.
Về khu vườn, Stevenson chỉ dành ra 8 bài để nói về không gian này. Số lượng này có thể cho thấy tần suất hiếm hoi của tác giả được vui đùa ngoài trời. Khác hẳn hai phần trước, khi dù chúng ta có thể thấy trí tưởng tượng của tác giả kì diệu đến như nào, ông vẫn không giấu người đọc khát khao được tìm hiểu thế giới bên ngoài. “Những ngày vườn” dù ít ỏi, lại là chuỗi thơ mang sắc thái tươi vui nhất:
“Ca bài ca bốn mùa!
Vẻ rỡ ràng vĩnh cửu!
Những đóa hoa màu hè,
Những lửa trại mùa thu!”
Stevenson, bằng giọng thơ đầy sức sống, khuyến khích các độc giả của mình kiếm tìm vẻ đẹp dịu dàng của thiên nhiên bên cạnh phiêu du trong trí tưởng tượng. Với một người thực sự quý trọng thiên nhiên bởi chính nó đã phần nào giúp ông giảm những cơn đau từ bệnh tật, tác giả hiểu đây chính là liều thuốc quý giá.
Và với “Khúc dâng” ở đoạn kết, ông dành đôi dòng để nhắn gửi những người thân quan trọng. Đó là người mẹ thân yêu, những người anh em họ đã thắp sáng tuổi thơ ông bằng các chuyến viếng thăm. Ông cũng nhắn gửi tới chính bản thân, mà khi đọc ta sẽ hiểu nguyên do tại sao Tudor lại chọn bài xon-nê kia của Shakespeare. Và cuối cùng, ông dành vài lời tới độc giả của mình. Lúc này, chúng ta hiểu rằng Stevenson không chỉ dành tặng quyển thơ này cho những bạn nhỏ, mà cho cả những tâm hồn thơ trẻ đã trưởng thành, những người đôi khi quên mất “khu vườn thơ” của riêng mình:
“Vì, xưa thật xưa, tôi kể em nghe,
Cậu ấy đã lớn lên và đi thật xa, xa lắm,
Chỉ còn một đứa trẻ vô hình,
Vẫn nán lại trong khu vườn muôn thuở.”

[SÁCH MỚI] TO NHƯ TRÁI NÚI, NHẸ TỰA LÔNG HỒNG - NGỤ NGÔN HIỆN ĐẠI VỀ SỰ SÁNG TẠO & KHÁM PHÁ CỦA TRẺ THƠ

11 Oct, 2024
Khi bỗng dưng trên trời xuất hiện một thứ kỳ lạ chẳng ai biết từ đầu rơi xuống, cả làng bèn tụ hội đoán xem thứ đó là gì. Đại Tướng quân nói rằng đó là một quả bom, Nhà Phát minh gợi ý lăn nó đi, Nhà Triết học lại trầm ngâm đặt câu hỏi tại sao nó tồn tại…
Xem thêm

[SÁCH MỚI] - Ông vua chân thối

03 Oct, 2024
ÔNG VUA CHÂN THỐI - TRUYỆN CỔ ẤN ĐỘ HÀI HƯỚC DẠY TRẺ CÁCH VƯỢT QUA TRỞ NGẠI MỘT CÁCH THÔNG MINH
Xem thêm

[SÁCH MỚI] TỚ ĂN HAI, CHO CẬU HẲN MỘT CÁI NHÉ!

25 Sep, 2024
Cực kỳ phù hợp với các gia đình có anh chị em thường xuyên “chành chọe” nhau hoặc cho những bạn nhỏ hay “cau mày” bực tức khi chơi với bạn ở trườ
Xem thêm

Hướng dẫn sử dụng Hộp Múa Rối Đón Trăng

17 Aug, 2024
Bố mẹ và các bạn nhỏ hãy cùng xem cách sử dụng hộp quà Trung thu từ Crabit nhé!
Xem thêm
Đăng Ký Nhận Quà