BLOG

[Tip đọc sách] Hướng dẫn chọn sách đúng dựa theo nhu cầu thể chất và tinh thần của trẻ ở từng giai đoạn
Jul 20, 2023 Admin Share
20230720_4amQshcC.png

 

HIỂU SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ TỪNG ĐỘ TUỔI ĐỂ CHỌN VÀ ĐỌC SÁCH ĐẠT HIỆU QUẢ TỐI ĐA 
Đọc sách thực ra là một hoạt động phức tạp vì phải kết hợp kỹ năng của tay, mắt, cảm giác, khả năng nhận thức. Trẻ em ban đầu “đọc sách” bằng cách khám phá cuốn sách thông qua các hành vi sờ chạm, cắn sách, ném sách, sau đó mới dần đọc sách một cách chăm chú và có trật tự như người lớn. Tức là ở mỗi lứa tuổi khác nhau, trẻ “đọc sách” theo những cách khác nhau và điều này hoàn toàn bình thường.
Bất kỳ phụ huynh nào cũng cần nắm bắt và hiểu rõ về đặc điểm phát triển của trẻ ở mỗi lứa tuổi để không hiểu sai hành vi đọc của trẻ, dẫn đến chọn sách sai và hướng dẫn sai cho trẻ. Trước khi bố mẹ đọc cùng trẻ, hãy “bỏ túi” cho mình một ít thông tin về sự phát triển của trẻ để có những phương pháp đọc phù hợp và biến việc đọc của trẻ trở thành một trải nghiệm thú vị, bổ ích nhé!!
Dưới đây là những đặc điểm thể chất và tinh thần của trẻ 0-5 tuổi có liên quan mật thiết tới việc đọc sách mà bố mẹ cần lưu ý. Thông tin được tham khảo từ Cẩm nang hướng dẫn đọc cho cha mẹ do Bộ Giáo dục và Thư viện Quốc gia Đài Loan phát triển.
⭐️ 0-6 THÁNG TUỔI ⭐️
Thị lực của trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn chỉnh, nhưng trẻ thích nhìn các đồ vật với màu sắc tươi sáng, chẳng hạn như quả bóng đỏ hoặc vòng tròn có màu đối lập đen và trắng, đặc biệt trẻ thích nhìn vào khuôn mặt người. Lúc này, mẹ có thể ẵm trẻ lên và hát những bài hát thiếu nhi hoặc ca dao, đồng dao, cho bé một sự kích thích về thính giác, để bé cảm nhận được nhịp điệu và tiết tấu của ngôn ngữ. Hoặc bố trí hình ảnh, đồ chơi có nhiều màu sắc trên giường hoặc xung quanh chỗ bé vui chơi, để làm phong phú trải nghiệm giác quan và thúc đẩy sự phát triển nhận thức của trẻ. Nếu bố mẹ muốn thử cùng bé xem sách tranh, bố mẹ có thể chọn sách có màu sắc tương phản, đường nét đơn giản, hình khối lớn, hoặc sách bồi cứng để bé có thể cầm nắm, thậm chí là cắn xé mà không làm hỏng sách.
⭐️ 6-12 THÁNG TUỔI ⭐️
Trẻ từ 6-7 tháng tuổi bắt đầu phát triển sự phối hợp giữa tay và mắt, biết vẫy tay và đưa tay ra lấy đồ. Lúc này, tuy rằng trẻ không biết nói, nhưng có thể phân biệt sự khác biệt giữa tiếng mẹ đẻ và các ngôn ngữ khác, và dần dần có thể kiểm soát âm thanh do mình phát ra, trẻ thường phát ra một loạt tiếng bập bẹ lặp đi lặp lại, như đang chơi một trò chơi âm thanh.
Trẻ từ 8-9 tháng tuổi có thể cầm nắm các món đồ chơi hoặc sách tranh thu hút trẻ. Nhưng tại thời điểm này, trẻ chưa phân biệt được sách và các vật dụng khác có chức năng gì! Nên cách trẻ tiếp xúc với sách như cách trẻ khám phá một đồ chơi vậy. Việc trẻ nắm, chạm, cắn, gõ, lật sách là hành động rất phổ biến đối với trẻ dưới 1 tuổi. Hơn thế nữa, thời gian bé tập trung vào một sự vật sự việc rất ngắn, vì vậy đọc sách cùng trẻ không hề dễ dàng.
"Cầm được cái gì cũng cho vào miệng" là một đặc điểm của giai đoạn này. Khi trẻ biết lật, biết bò, trẻ càng tích cực muốn khám phá môi trường xung quanh hơn, vì vậy cha mẹ có thể bắt đầu bố trí một số cuốn sách (bồi cứng) để bé chạm vào cảm thấy thích thú và lật trang, hoặc chọn một số sách tranh câu chữ ngắn gọn, hình ảnh đơn giản rõ ràng, kết hợp với giọng điệu biến hoá hoặc tạo ra âm thanh từ các nhạc cụ nhỏ, và cùng trẻ i i a a hát và chơi đùa với nhau.
Khi cùng đọc sách cùng trẻ, bố mẹ nên chọn sách bồi cứng, ngoài việc để không dễ bị trẻ xé rách ra, thì cũng tiện cho tự bé lật trang. Bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ sử dụng các kỹ năng vận dụng ngón tay đơn giản, như dùng phần đầu ngón tay đẩy nhẹ mép sách để lật trang. Ngoài ra, hình ảnh đơn giản rõ nét trong sách sẽ giúp trẻ nhận biết sự vật tốt hơn và cảm thấy hào hứng hơn. Sách với các trò chơi tương tác, thao tác thực hành đơn giản sẽ thỏa mãn tính thích khám phá của trẻ cũng là một lựa chọn tốt ở lứa tuổi này.
⭐️ 1-2 TUỔI ⭐️
Đối với trẻ khoảng 1 tuổi, "sách" không khác gì đồ vật hay đồ chơi thông thường. Hầu hết trẻ sau khi cầm trên tay quyển sách sẽ không lật giở sách một cách thành thạo, mà sẽ vì tò mò mà cắn, xé hoặc ném sách. Những hành động khám phá này khiến cho phụ huynh khá bất ngờ và nhầm tưởng rằng trẻ không hứng thú với sách. Thật ra, những hành động này của trẻ là để cảm nhận khám phá mọi thứ, và cũng là bước khởi đầu của việc đọc.
Khoảng 1-2 tuổi, trẻ có thể phân biệt rõ ràng sự khác biệt giữa đọc sách và chơi đồ chơi, nhưng lại thiếu nhận thức về trật tự và mối liên quan trước sau của sách, vì vậy khi đọc, trẻ sẽ dễ dàng nhảy qua các trang khác, như một cuộc săn tìm kho báu, trẻ tìm kiếm những hình ảnh quen thuộc hoặc đặc biệt hấp dẫn chúng. Và cũng vì những từ mà trẻ học được đầu tiên trong đời, hầu như đều liên quan mật thiết đến cuộc sống của chúng, như cách xưng hô trong gia đình, đồ ăn hàng ngày, đồ chơi xung quanh… nên khi trẻ xem sách cũng sẽ hào hứng chỉ vào bức tranh quen thuộc và gọi tên món đồ đó, thể hiện sự hiểu biết và khả năng biểu đạt ngôn ngữ của trẻ. Bố mẽ có thể chọn những quyển sách tranh liên quan đời sống của trẻ như trái cây và rau cải, động vật và thực vật, đồ chơi, phương tiện giao thông và vật dụng trong nhà, để khi cùng trẻ xem sách có thể hướng dẫn trẻ nhìn tranh nhận biết đồ vật.
Khi đọc sách cùng trẻ, bố mẹ có thể biến nội dung trong sách thành hành động. Ví dụ, bố mẹ có thể bắt chước hành động gãi ngứa của gấu con trong sách, mà thực tế cũng gãi ngứa hoặc xoa bóp cho bé. Nên chọn sách tranh có màu sắc tươi sáng, hình ảnh to và chữ ít. Khi đọc truyện, bố mẹ tránh chuyển tải thông tin một chiều từ người lớn, mà hãy hướng dẫn và khuyến khích bé tham gia cùng như cho bé tự lật sang trang.
⭐️ 2-3 TUỔI ⭐️
Hầu hết trẻ trong độ tuổi từ 2 đến 3 tuổi đều có thể tự xem sách. Trẻ cũng sẽ mô tả các hình ảnh trong sách theo cách tương tự như lời nói hàng ngày, hoặc cố gắng tự kể chuyện. Nhưng vào thời điểm này, những câu chuyện mà trẻ kể hầu hết đều không hoàn toàn giống với nội dung của sách, mà dựa vào kinh nghiệm và trí tưởng tượng của chính mình để suy luận câu chuyện, chẳng hạn trong sách đề cập đến thỏ con khóc vì không thể tìm thấy đồ chơi, nhưng trẻ có thể nói thành: "Con thỏ khóc vì bị mẹ la rầy.
Trẻ nhỏ trong giai đoạn này đã có khả năng biểu đạt ngôn từ tốt và sẽ bắt đầu bắt chước giọng điệu của người lớn. Mặc dù khả năng bắt chước của trẻ rất cao, nhưng trí nhớ thì có giới hạn, nếu người lớn nói quá nhanh hoặc câu quá dài, trẻ thường chỉ nhớ đoạn cuối cùng. Vì vậy, khi đọc sách, bố mẹ cần nói chậm lại, và chú ý xem độ dài của câu có khiến trẻ dễ nhớ và nhắc lại được không. Bố mẹ nên chọn những cuốn sách với cốt truyện đơn giản và các câu lặp đi lặp lại, để hướng dẫn bé đọc, và làm quen với các khái niệm và từ ngữ.
⭐️ 3-5 TUỔI ⭐️
Nhà tâm lý học Piaget cho rằng, trẻ em ở giai đoạn này bắt đầu biết vận dụng trí tưởng tượng, lập luận và suy nghĩ, nhưng tư duy chưa thật sự trưởng thành. Điều này được phản ánh trong hành vi đọc của trẻ. Từ 3-4 tuổi, trẻ nhận ra sự liên quan nội dung của từng trang sách, hiểu được trình tự phát triển của cốt truyện. Khi đọc một cuốn sách, trẻ biết đọc từng trang. Tuy nhiên, đối với nội dung của câu chuyện vẫn thuộc về mức độ nhận thức và trí nhớ, trẻ vẫn không thể đặt mình vào nhân vật để nghĩ ra điều sâu sắc hơn. Bố mẹ có thể mở rộng trải nghiệm nhận thức của trẻ bằng cách đọc cùng con, gợi mở để con suy nghĩ và tưởng tượng.
Từ 4-5 tuổi, trẻ dần hiểu chức năng của ký tự văn bản, trẻ sẽ cố gắng đọc văn bản trong sách, và thậm chí đọc to ra mà không cần dựa vào người lớn. Lúc này, cách đọc của trẻ khá giống với cách đọc của người lớn.

[SÁCH MỚI] TO NHƯ TRÁI NÚI, NHẸ TỰA LÔNG HỒNG - NGỤ NGÔN HIỆN ĐẠI VỀ SỰ SÁNG TẠO & KHÁM PHÁ CỦA TRẺ THƠ

11 Oct, 2024
Khi bỗng dưng trên trời xuất hiện một thứ kỳ lạ chẳng ai biết từ đầu rơi xuống, cả làng bèn tụ hội đoán xem thứ đó là gì. Đại Tướng quân nói rằng đó là một quả bom, Nhà Phát minh gợi ý lăn nó đi, Nhà Triết học lại trầm ngâm đặt câu hỏi tại sao nó tồn tại…
Xem thêm

[SÁCH MỚI] - Ông vua chân thối

03 Oct, 2024
ÔNG VUA CHÂN THỐI - TRUYỆN CỔ ẤN ĐỘ HÀI HƯỚC DẠY TRẺ CÁCH VƯỢT QUA TRỞ NGẠI MỘT CÁCH THÔNG MINH
Xem thêm

[SÁCH MỚI] TỚ ĂN HAI, CHO CẬU HẲN MỘT CÁI NHÉ!

25 Sep, 2024
Cực kỳ phù hợp với các gia đình có anh chị em thường xuyên “chành chọe” nhau hoặc cho những bạn nhỏ hay “cau mày” bực tức khi chơi với bạn ở trườ
Xem thêm

Hướng dẫn sử dụng Hộp Múa Rối Đón Trăng

17 Aug, 2024
Bố mẹ và các bạn nhỏ hãy cùng xem cách sử dụng hộp quà Trung thu từ Crabit nhé!
Xem thêm
Đăng Ký Nhận Quà