Từ trước tới nay, vẫn có rất nhiều cha mẹ hiểu nhầm rằng: Sách tranh thực chất chỉ là một thứ “bột ăn dặm bằng chữ” dành cho trẻ em, tức là một thứ thức ăn cho con ăn “tạm” trước khi con đủ cứng cáp để ăn những món ăn thực thụ. Song suy nghĩ này là hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, sách tranh (Picture book) được coi là một trong những hình thức văn học quan trọng nhất, không chỉ dành cho trẻ nhỏ, mà con cho cả người lớn chúng ta. Vậy điều gì khiến cho một cuốn sách “ít chữ, nhiều tranh” lại có giá trị đến thế?
Cuốn sách "Nâu Nâu thị thành, Xanh Xanh đồng quê" của bộ đôi đại tài Mo Willems và Jon J Muth đã chinh phục độc giả ở mọi lứa tuổi. Cuốn sách cũng vinh dự đạt Giải thưởng Sách Quốc gia 2021.
Picturebook có khả năng lay động bất cứ ai. Một cuốn Picturebook thực thụ, không chỉ đem đến giá trị về mặt nội dung, mà còn đòi hỏi một sự đầu tư rất chỉn chu về mặt hình thức. Những trang bìa thơm nhẵn của cuốn sách, những hình ảnh minh hoạ sinh động sẽ khiến ngay cả người lớn cũng bị hút hồn.
Một tranh minh họa trác tuyệt trải dài hai trang sách trong cuốn sách tranh kinh điển "Dì Rumphius" của Barbara Cooney.
Phần ngôn từ trong những cuốn Picture book thường rất ít ỏi, chính bởi vậy mà chúng là thành quả của một sự chắt lọc vô cùng kĩ lưỡng. Từng câu chữ trong một trang sách sẽ không bao giờ hướng tới việc kể lể, thuyết mình dài dòng, mà đa số sẽ là những câu được kết tinh bởi vốn từ vựng đẹp đẽ, trong trẻo, ngân nga trong giai điệu, lại gợi hình gợi tả và có khả năng tác động đến cảm xúc của bất cứ ai.
Khi chuyển ngữ, Crabit Kidbooks cố gắng truyền tải đúng tinh thần của cuốn sách. Chẳng hạn như bộ sách "Olivia" của Ian Falconer khi được dịch sang tiếng Việt vẫn giữ được sự hài hước duyên dáng và thông thái của nhân vật chính Olivia.
Picture book có độ linh hoạt nhất định trong việc cho phép cả người viết lẫn người đọc một khoảng tự do sáng tạo. Thông điệp chủ yếu được truyền tải dưới dạng hình ảnh, khiến cho độc giả có thể thoả sức vận dụng trí tưởng tượng của mình để tìm ra ý nghĩa đằng sau nó. Trong quá trình đọc một cuốn Picturebook, đôi khi người lớn sẽ phải bất ngờ vì sức sáng tạo vô biên của các con đó!
"Trạm dừng cuối ở Phố Chợ" - Cuốn sách tranh đạt giải thưởng danh giá Newbery Medal 2016 của Matt de la Peña khơi gợi trí tưởng tượng vô hạn của độc giả.
Công thức tạo nên sự hài hoà của một cuốn Picture book là sự tương tác giữa phần văn bản và hình ảnh minh họa. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng có ít nhất 5 mối liên hệ khác nhau giữa phần “đọc” và phần “nhìn”:
- Đối xứng: chữ và ảnh bình đẳng và cân bằng
- Bổ sung: mỗi phần cung cấp một loại thông tin giúp bổ sung cho nhau
- Thúc đẩy: mỗi phần mở rộng ý nghĩa của phần kia
- Đối âm: chữ và ảnh kể những câu chuyện khác hẳn nhau
- Xung đột: chữ và ảnh khắc hoạ hai nội dung trái ngược
Việc nhìn ra những mối quan hệ khác nhau này sẽ là công cụ cực kỳ hữu ích giúp phát triển trí thông minh thị giác - một kiểu thông minh rất cần thiết trong thế giới ngập tràn hình ảnh như hiện nay.
Không những thúc đẩy trí thông minh ngôn ngữ và thị giác, Picture book còn là những cầu nối đến với thế giới của hội hoạ và nghệ thuật. Việc nuôi dưỡng một trái tim nhạy bén với thẩm mỹ và nghệ thuật luôn là một điều không nên bỏ qua giữa guồng xoay của bộn bề của công việc.
"Olivia" của Ian Falconer cho thấy sự liên kết mật thiết giữa đời sống và nghệ thuật.
Picture book hấp dẫn và thu hút được nhiều kiểu người học nhất. Các nghiên cứu về Giáo dục học chỉ ra rằng, có 3 kiểu người học chủ yếu: học thông qua hình ảnh (visual learners), học thông qua âm thanh (auditory learners), và học thông qua hành động (kinesthetic learners). Và một cuốn Picturebook thì có thể thoả mãn cả 3 kiểu người học này. Kể cả khi con có là một đứa trẻ ưa thích việc nhìn ngắm (thông qua việc xem các bức tranh), hay việc lắng nghe (thông qua giọng đọc của cha mẹ), thậm chí là hiếu động thích chạm vào thứ nọ thứ kia (thông qua việc trực tiếp tương tác với cuốn sách), thì con đều sẽ phù hợp với một cuốn Picture book.
Cuốn sách "Gõ nhẹ vào thân cây kỳ diệu" mở ra không gian tương tác cho người đọc.
Trên thực tế, Picture book, được các giáo viên và các nhà giáo dục đánh giá là kiểu định dạng tốt nhất để truyền đạt một ý tưởng và hiểu một vấn đề. Vì sách tranh ngắn nên mọi thông điệp, kiến thức, ý tưởng thể hiện trong sách tranh phải được chắt lọc tối đa và được trình bày theo một cách sáng rõ nhất có thể. Rất nhiều thầy cô giáo trung học cơ sở, trung học phổ thông và thậm chí cả giảng viên đại học đã nhận ra giá trị của việc sử dụng sách tranh trong việc giảng dạy của mình.
Picture book có khả năng gắn kết và làm các mối quan hệ trở nên sâu sắc và thân thiết hơn, khi người lớn để con ngồi ngay ngắn trong lòng, và ôm trọn các con vào còng tay. Chính những giây phút bé nhỏ đó lại có tác động rất lớn đến quá trình phát triển của con sau này, đặc biệt về mặt cảm xúc.
Picture book có khả năng hấp dẫn xuyên thế hệ. Trẻ con, người lớn, thậm chí kể cả người cao tuổi, tuỳ vào trải nghiệm của mình, đều sẽ tìm ra một điểm thú vị nào đó ẩn giấu trong một cuốn Picturebook.
Một cuốn sách Picture book thường rất ngắn gọn, bởi vậy mà có thể “len lỏi” vào bất cứ khoảng thời gian nào trong cuộc sống bận rộn thường nhật của mỗi chúng ta. Chỉ cần từ 5 - 10 phút là chúng ta đã hoàn toàn có thể có được một trải nghiệm văn học trọn vẹn.
Những cuốn sách Picture book giản dị nhưng không hề đơn giản.
Picture book là thơ, là phiêu lưu, trí tưởng tượng, ngôn ngữ, sự tương tác, độ chính xác, và nhiều hơn thế nữa.
Sách tranh không chỉ là sách dành cho trẻ nhỏ. Chúng là những cuốn sách dành cho tất cả mọi người.
Sách tranh không phải là loại sách mà bất cứ ai nên bỏ qua kể cả khi đã trưởng thành!
(Lược dịch từ bài viết “Picture Books are not just for Children: 10 reasons why”, writersdigest.com)
Giá trị của một cuốn sách tranh đích thực không bao giờ bị giới hạn bởi lứa tuổi. Thậm chí, thông điệp và cách truyền tải của một cuốn sách tranh đôi khi lại có thể khiến chúng ta phải cảm động. Dưới đây là một số cuốn Picture book khiến chính người lớn phải suy nghĩ lại về một thể loại sách “dành cho trẻ em”: https://bit.ly/3aCUBsO